Nghiên Cứu Độc Lập Của Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo Việt Nam - Hoạt Động Hỗ Trợ Cai Nghiện Ma Túy Tại Trung Tâm Giải Cứu Aquila Và Bê-Rít-Sin cho xã hội.

Hoạt động tuyên truyền, chia sẻ về vai trò của Tin Lành trong công tác cai nghiện ma túy và tệ nạn xã hội tại Trung Tâm Chữa Bệnh và Giáo Dục Lao Động Xã Hội Số 1 – Bộ Lao Động, Thương Binh Và Xã Hội Hà Nội

1.Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Thống Kê:

Theo số liệu thống kê tại hội thảo Chia sẻ về công tác cai nghiện ma túy do Cục Phòng, Chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày 11/6/2020, tính đến tháng 11/2019, cả nước có 235.314 người nghiện có hồ sơ quản lý (tăng 10.215 người so với cùng kỳ 2018).

Số người nghiện tăng bình quân khoảng hơn 10 nghìn người mỗi năm.

Số vụ việc liên quan tới người sử dụng ma túy trái phép, như: trộm cắp, cướp giật, gây rối trật tự công cộng, tự sát, giết người… gia tăng về cả số vụ và tính chất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, cuộc sống của người dân ở nhiều khu vực và tốc độ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Trong khi đó, tính đến hết tháng 30/4/2020, cả nước mới có 97 cơ sở cai nghiện ma túy công lập và 16 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập và được cấp giấy phép hoạt động; tổng số học viên đang được cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện công lập là 34.982 người.

Có thể nói, con số này còn rất ít ỏi so với số người nghiện có hồ sơ quản lý – chiếm 14,8% tổng số người nghiện có hồ sơ quản lý. Ngoài ra, còn rất nhiều người nghiện chưa có hồ sơ quản lý.

Hoạt động tuyên truyền, chia sẻ về vai trò của Tin Lành trong công tác cai nghiện ma túy và tệ nạn xã hội tại Trung Tâm Chữa Bệnh và Giáo Dục Lao Động Xã Hội Số 2 – Bộ Lao Động, Thương Binh Và Xã Hội Hà Nội

Những năm gần đây, một số tôn giáo được nhiều người biết đến với vai trò hỗ trợ cai nghiện cho người nghiện ma túy như một hình thức hoạt động xã hội của mình. Trong số đó, hoạt động hỗ trợ cai nghiện ma túy của đạo Tin lành thời gian qua đã có những kết quả khả quan và có sự mở rộng phát triển hoạt động này trên khắp cả nước. Hoạt động này không chỉ giúp đạo Tin lành “mở mang nước Chúa” một cách gián tiếp mà đây còn là một nguồn lực xã hội, thể hiện sự tham gia tích cực vào công cuộc xã hội hóa công tác cai nghiện và phục hồi sau cai nghiện – một lĩnh vực còn gặp rất nhiều khó khăn và thử thách hiện nay.

Nổi bật trong các tổ chức của đạo Tin lành ở các hoạt động này là Trung tâm giải cứu Aquila, thuộc Hội thánh Phúc Âm Toàn Vẹn Việt Nam, đặt cơ sở ở Hà Nội. Nếu mô hình này khả thi cả về hiệu quả cũng như đáp ứng được các điều kiện về mặt luật pháp thì việc nhân rộng mô hình này sẽ giảm bớt gánh nặng cho xã hội cũng như các trung tâm cai nghiện công lập hiện nay vốn đang quá tải vì sự gia tăng nhanh chóng số lượng người vướng vào ma túy. Chính vì thế, việc nghiên cứu và đánh giá tính khả thi của các mô hình này là cần thiết hiện nay. Nghiên cứu này tập trung giới thiệu và phân tích mô hình hỗ trợ cai nghiện tại Trung tâm giải cứu Aquila.

Bằng phương pháp định tính, bài viết phân tích các dữ liệu thu thập được từ 13 học viên nam cai nghiện ma túy và 2 nhân sự tại Trung tâm Giải cứu Aquila trong đó có Mục sư Nam Quốc Trung. Vận dụng lý thuyết học hỏi xã hội (social learning theory), tác giả đưa ra một cách luận giải về hiệu quả cai nghiện và phục hồi cai nghiện tại trung tâm.

Dựa trên các tài liệu thứ cấp và các tư liệu thu thập được trong quá trình điền dã từ tháng 11 năm 2018 cho đến tháng 6 năm 2020, bài viết mang đến một bức tranh đầy đủ và chi tiết hơn về hoạt động xã hội này.

Hoạt động Dạy Kinh Thánh Tin Lành trong công tác cai nghiện ma túy và tệ nạn xã hội tại Trung Tâm Chữa Bệnh và Giáo Dục Lao Động Xã Hội – Bộ Lao Động, Thương Binh Và Xã Hội Hà Nội

2.Khái quát chung về hoạt động hỗ trợ cai nghiện ma túy của đạo Tin lành và Trung tâm giải cứu Aquila

năm 2014, hoạt động hỗ trợ cai nghiện ma túy của đạo Tin lành đã tạo nên một dấu ấn đặc biệt với mô hình lớp phục hồi của Mục sư Nam Quốc Trung thử nghiệm trong 3 năm (từ năm 2014 đến 2016)

Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội số II (Ba Vì, Hà Nội). Mô hình này được sự chấp thuận của Sở Nội vụ và Ban Tôn giáo Thành phố Hà Nội cùng với sự ủng hộ, phối kết hợp chặt chẽ của Ban lãnh đạo Trung tâm. Nhân sự chính của nhóm là những học viên đã có thời gian cai nghiện tại trung tâm nay đã bỏ hẳn được ma túy và hòa nhập thành công với gia đình và cộng đồng, tự nguyện phục vụ trong chương trình. Có thể nói rằng từ mô hình của lớp học phục hồi đã mở ra một tương lai cho hoạt động hỗ trợ cai nghiện ma túy của đạo Tin lành.

Thành công bước đầu của lớp học không chỉ được đón nhận từ phía học viên, mà còn được ghi nhận từ phía chính quyền và mang lại quyết tâm và mở ra kế hoạch của Mục sư Nam Quốc Trung và cộng sự nhằm mở rộng và phát huy hiệu quả của mô hình này.

Hưởng ứng tích cực của các học viên tại Trung Tâm Chữa Bệnh và Giáo Dục Lao Động Xã Hội – Bộ Lao Động, Thương Binh Và Xã Hội Hà Nội

3.Điều kiện để Trung tâm tiếp nhận học viên

Các học viên trước khi vào Trung tâm cần phải hoàn toàn tự nguyện và mong muốn được biến đổi; phải cam kết thực hiện đúng nội quy, quy chế, quy định về thời gian, quy trình cai nghiện và chịu sự quản lý của trung tâm và cam kết không xin về trước thời gian 18 tháng; không bảo lãnh, không thanh lý hợp đồng trước thời hạn.

Bên cạnh đó, gia đình phải hoàn toàn hợp tác với Trung tâm để Trung tâm giúp đỡ họ được lâu dài và có được hiệu quả bền vững. Giúp đỡ người nghiện ma túy là một công việc đặc thù, đòi hỏi sự hợp tác không chỉ từ cá nhân người cần giúp mà còn cần cả sự phối hợp chặt chẽ từ phía gia đình. Gia đình có con em lên Trung tâm phải có trách nhiệm đi họp phụ huynh để nắm bắt thông tin của con em mình khi có thông báo của Hội thánh và Trung tâm. Đồng thời, gia đình cũng không được tự ý lên thăm và không tự ý gọi điện thoại cho học viên khi chưa được sự đồng ý của người lãnh đạo hoặc người giúp đỡ của Trung tâm. Trung tâm cũng nhắc nhở các gia đình khi đến thăm con em tuyệt đối không mang theo rượu, bia, thuốc lào, thuốc lá hay các chất kích thích khác. Gia đình cũng không được cho học viên tiền hoặc vật dụng có giá trị. Nếu họ được ở lại Trung tâm thì phải đảm bảo giờ học, sinh hoạt theo đúng thời gian biểu của Trung tâm. Bởi theo người lãnh đạo Trung tâm, những quy định này nhằm giúp cho học viên được cách ly hoàn toàn khỏi những thói quen xấu trước đây.

Với các học viên sinh hoạt tại Trung tâm, họ sẽ đóng hai loại phí: Thứ nhất là chi phí liên quan đến việc xây dựng cơ sở vật chất ban đầu là 2.000.000 đồng đối với tất cả các học viên mới và kể cả những học viên cũ khi bắt đầu chương trình lại từ đầu; Thứ hai là khoản tiền cố định hàng tháng(bao gồm tiền ăn, ở hàng tháng, tiền điện nước, học tập, quản lý, sinh hoạt và các chi phí sinh hoạt chung tại Trung tâm) là 3.000.000 đồng mỗi tháng đối với mỗi học viên. Với những học viên còn đang dương tính với ma túy sẽ đóng thêm chi phí cắt cơn là 1.000.000/ người.

Lịch sinh hoạt trong 1 ngày của trung tâm giải cứu Aquila và Bê-rít-sin

4.Chương trình sinh hoạt của học viên

Mặc dù, các học viên đến đây để được cai nghiện ma túy và phục hồi, nhưng chủ yếu thời gian của họ lại dành cho việc học Kinh Thánh. Mỗi ngày, họ sẽ học từ 2-4 tiếng do các giảng viên dạy. Giảng viên có thể là người của Trung tâm hoặc các mục sư được mời đến từ nhiều nơi, tùy theo nội dung học.

Bên cạnh thời gian dành việc học Kinh Thánh, các học viên sẽ tham gia vào các hoạt động khác nhưng những hoạt động này đều xoay quanh việc tìm hiểu về Chúa và xây dựng niềm tin của các học viên với Chúa, như: thông công, xem phim về Chúa, hát các bài hát ngợi khen Chúa,… Còn lại là thời gian dành cho việc nấu ăn, dọn dẹp và tập thể dục thể thao. Trung tâm không có bộ phận phục vụ (như nấu ăn, quét dọn,…) nên các công việc phục vụ tại Trung tâm cũng do các học viên thay nhau làm và tự phục vụ lẫn nhau. Nhìn vào thời gian biểu này có thể thấy sinh hoạt thể chất và đời sống tinh thần của học viên rất phong phú. Tuy thế, những khoảng thời gian quan trọng nhất trong ngày là dành cho việc học Kinh Thánh.

Hết Phần 1.

Trích: Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo sô 9(201), 2020, 51-81.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Leave the field below empty!

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.